7 nguyên nhân khiến mèo con bị tiêu chảy: hướng dẫn cho người mới nuôi mèo
Mục lục
1. Nguyên nhân khiến mèo con bị tiêu chảy
1.1 Cho mèo con uống sữa bò
1.2 Dị ứng hoặc ăn các vật dụng không thể tiêu hoá
1.3 Thay đổi chế độ ăn đột ngột
1.4 Ký sinh trùng đường ruột
1.5 Nhiễm khuẩn
1.6 Nhiễm trùng do virus
1.7 Căng thẳng khi thay đổi môi trường
2. Màu sắc chất thải khi mèo con bị tiêu chảy
3. Điều trị tiêu chảy ở mèo con
4. Phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở mèo con
Dạ dày của mèo con rất nhạy cảm. Bạn chỉ cần thay đổi chỗ ở hoặc đổi thức ăn từ thịt luộc thành thịt sống cũng khiến mèo con bị tiêu chảy.
Mặc dù tiêu chảy là vấn đề thường gặp ở mèo con, tình trạng này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn nếu không xử lý kịp thời. Mèo có thể bị mất nước nghiêm trọng, suy dinh dưỡng và có khả năng dẫn đến tử vong.
1. Nguyên nhân khiến mèo con bị tiêu chảy
1.1 Cho mèo con uống sữa bò
Rất nhiều người thường cho mèo con uống sữa tươi hoặc sữa bò, vì cho rằng những loại sữa này giàu dinh dưỡng và an toàn cho mèo. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.
Mặc dù sữa tươi không gây hại nghiêm trọng cho mèo, nhưng các nghiên cứu khoa học cho thấy sữa tươi không cung cấp nhiều lợi ích dinh dưỡng cho mèo con. Đặc biệt, những loại sữa tươi có đường có hàm lượng đường quá cao vượt quá khả năng hấp thụ của mèo con gây tiêu chảy.
Sữa bò là một trong những thực phẩm gây nguy hiểm cho mèo. Sữa bò chứa một lượng lớn đường lactose mà hệ tiêu hóa của mèo không thể tiêu hóa. Mèo thiếu thiếu enzyme phân giải loại đường này. Điều này có thể dẫn đến tình trạng chướng bụng, khó tiêu và thậm chí là tiêu chảy ở mèo.
1.2 Dị ứng hoặc ăn các vật dụng không thể tiêu hoá
Các vấn đề về ăn uống, chẳng hạn như dị ứng hoặc không dung nạp, cho ăn quá nhiều hoặc ăn các vật dụng không ăn được (như vải, xương, v.v.) đều có thể là nguyên nhân gây nôn mửa và tiêu chảy ở mèo con.
Khi mèo bị dị ứng với một thành phần trong thức ăn, hệ miễn dịch của chúng phản ứng mạnh mẽ và gây ra các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy. Ngoài ra, mèo còn có thể có biểu hiện gãy liên tục vì ngứa ngáy, rụng lông, viêm da, đặc biệt ở các vùng như mặt, tai, bụng, hoặc bàn chân. Tình trạng này có thể kéo dài và dẫn đến bị nhiễm trùng da hoặc tai.
Đọc thêm: Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là khởi đầu cho hạnh phúc mỗi ngày
1.3 Thay đổi chế độ ăn đột ngột
Khi mèo về nhà mới, bạn nên hỏi kỹ chủ cũ chế độ ăn và loại thức ăn mà mèo con thường ăn. Bởi vì nếu bạn cho mèo ăn theo ý thích của mình, sự thay đổi thức ăn đột ngột này khiến hệ tiêu hoá của chúng không thích ứng kịp, dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa.
Để tránh rối loạn tiêu hóa khi chuyển đổi thức ăn, bạn nên giảm từ từ lượng thức ăn cũ, tăng dần thức ăn mới và sau đó thay thế hoàn toàn trong vòng 5-7 ngày.
- Ngày 1-2: 25%
- Ngày 3-4: 50%
- Ngày 5-6: 75%
- Ngày 7: 100%
Đồng thời, bạn cần đảm bảo cung cấp đủ nước sạch theo nhu cầu của mèo
1.4 Ký sinh trùng đường ruột
Ký sinh trùng đường ruột là vấn đề xảy ra phổ biến ở mèo con. Mèo con có thể bị nhiễm giun ngay cả khi chúng sống trong nhà, đã được tẩy giun trước đó, hoặc bạn không thấy giun trong phân. Một số loại ký sinh trùng phổ biến ảnh hưởng đến mèo con bao gồm:
- Giun tròn: Hình dạng giống như sợi mì spaghetti, có thể lây sang mèo con từ trứng trong môi trường hoặc khi mèo con còn trong bụng mẹ. Giun tròn gây tiêu chảy, nôn mửa và sụt cân, khiến mèo con có bụng đầy hơi.
- Giun móc: Là loại giun nhỏ có thể gây tiêu chảy, phân đen như hắc ín, táo bón, sụt cân, chán ăn và thậm chí là ho khan. Giun móc có thể lây từ mẹ sang con hoặc từ môi trường.
- Sán dây: Có hình dạng giống “hạt dưa chuột”, lây nhiễm cho mèo con khi chúng ăn phải bọ chét nhiễm bệnh hoặc động vật nhỏ khác. Mèo con nhiễm sán dây thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể bị tiêu chảy, sụt cân và ngứa quanh trực tràng.
- Giun tóc: Là loại giun nhỏ có thể gây tiêu chảy ra máu, sụt cân, mất nước và thiếu máu. Giun tóc có thể lây nhiễm từ môi trường và gây triệu chứng trước khi trứng giun xuất hiện trong phân của mèo.
- Giardia: Là một loại ký sinh trùng gây tiêu chảy nặng, tiêu chảy có thể không liên tục hoặc mãn tính, có mùi mạnh và trông mềm, nhờn. Giardia thường được tìm thấy trong nguồn nước, và mèo con từ các trại mèo hoặc nơi đông dân cư có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Tritrichomonas foetus: Gây tiêu chảy ở mèo con và thường có triệu chứng giống bệnh Giardia.
- Cầu trùng: Gây tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn và đau bụng. Tiêu chảy có thể có chất nhầy hoặc kèm theo máu, thường xảy ra trong giai đoạn mới cai sữa, chuyển nhà hoặc thay đổi chế độ ăn.
1.5 Nhiễm khuẩn
Mèo con bị nhiễm khuẩn do hại khuẩn trong ruột phát triển mất kiểm soát, hoặc bị lây nhiễm từ môi trường bên ngoài như ăn thực phẩm bẩn, uống nước tù đọng,...
- Escherichia coli (E. coli): là loại vi khuẩn sống trong ruột mèo. Khi mèo con bị căng thẳng hoặc bị bệnh, E. coli phát triển nhanh chóng gây tiêu chảy đột ngột kèm theo nôn mửa, mệt mỏi và nhiễm trùng huyết. Nó cũng có thể xâm nhập từ nguồn thức ăn hoặc môi trường ô nhiễm. Mèo con có thể bị nhiễm E. coli nếu sống trong môi trường quá đông đúc, bẩn thỉu hoặc bị lây từ mẹ khi mẹ bị nhiễm E. coli trong thời gian mang thai.
- Salmonella: Mèo bị nhiễm Salmonella thường sống trong môi trường đông đúc, ăn thức ăn thô và thường xuyên bị căng thẳng. Biểu hiện của mèo con nhiễm Salmonella là đi tiêu chảy có máu, nôn mửa, sốt, chán ăn và đau bụng. Chúng có thể rặn khi đi vệ sinh và có dấu hiệu đau bụng.
- Nhiễm trùng do Clostridium: Vi khuẩn Clostridium perfringens, thường có trong ruột, có thể phát triển quá mức do căng thẳng, uống nhiều thuốc kháng sinh, ăn thịt sống hoặc hệ miễn dịch kém. Điều này gây ra tiêu chảy có chất nhầy và máu, mèo con có thể rặn khi đi vệ sinh. Nhiễm trùng có thể tự thuyên giảm trong vòng một tuần và tái phát sau vài tuần.
1.6 Nhiễm trùng do virus
Nhiễm virus cũng có thể gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa ở mèo con. Nhiều trường hợp có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin định kỳ.
- Virus gây giảm bạch cầu ở mèo (FPV): Còn gọi là parvovirus, là một virus dễ lây lan gây tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Bệnh này thường gặp ở mèo con từ 2-4 tháng tuổi, nhưng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
- Virus herpes ở mèo (FVR): Có thể gây tiêu chảy ở mèo con và thường lây nhiễm qua nước bọt hoặc dịch tiết mắt, mũi.
- Calicivirus: Là một nguyên nhân gây tiêu chảy khác ở mèo con, thường dẫn đến các vấn đề đường hô hấp trên.
- Virus gây bệnh bạch cầu ở mèo (FeLV): Thường lây truyền từ mèo mẹ hoặc mèo khác sang mèo con. Triệu chứng có thể không xuất hiện ngay lập tức mà có thể kéo dài vài tháng hoặc năm.
- Virus gây suy giảm miễn dịch ở mèo (FIV): Thường lây qua vết cắn hoặc từ mèo mẹ sang con trong lúc sinh. FIV có thể gây tiêu chảy kéo dài do các nhiễm trùng thứ cấp và có xu hướng gây ra nhiều triệu chứng ở mèo trưởng thành hơn là mèo con.
- Viêm phúc mạc truyền nhiễm ở mèo (FIP): Có thể gây triệu chứng như còi cọc, mất cảm giác thèm ăn và tiêu chảy mãn tính ở mèo con.
1.7 Căng thẳng khi thay đổi môi trường
Tiêu chảy ở mèo con đôi khi có thể do những thay đổi trong môi trường sống của chúng, như chuyển nhà, có vật nuôi mới hoặc sự xuất hiện của em bé. Việc phải xa mẹ và anh chị em cũng có thể gây ra căng thẳng cho mèo.
Hãy đảm bảo rằng bạn dành đủ thời gian cho mèo con và tạo ra một không gian yên tĩnh, tránh xa sự ồn ào và náo nhiệt trong nhà.
2. Màu sắc chất thải khi mèo con bị tiêu chảy
Phân của mèo con thường có màu nâu. Nếu phân của mèo con đổi màu khác bình thường, bạn cần đưa chúng đến bác sĩ thú y càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời:
- Phân có máu: Mèo con bị tiêu chảy có lẫn máu trong phân.
- Phân đen: Thường là dấu hiệu của chảy máu từ phần trên của dạ dày.
- Phân màu vàng: Hầu như luôn là dấu hiệu mất cân bằng vi khuẩn trong ruột, có thể liên quan đến cầu trùng.
- Phân màu cam: Thường báo hiệu có quá nhiều mật trong phân, có thể do vấn đề về gan hoặc túi mật.
- Phân xanh: Có thể là phân nhầy hoặc nếu mèo con ăn cỏ.
- Phân trắng: Màu sắc này rất bất thường và có thể chỉ ra tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng ruột.
- Chất nhầy: Chất nhầy màu vàng, trắng hoặc trong suốt cho thấy tình trạng kích ứng ruột nghiêm trọng.
- Phân màu nâu với đốm trắng: Có thể là dấu hiệu của ký sinh trùng đường ruột.
3. Điều trị tiêu chảy ở mèo con
Phương pháp điều trị bệnh mèo con bị tiêu chảy sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu mèo nhà bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn, bác sĩ thú y có thể khuyên bạn thay đổi chế độ ăn. Đối với nhiễm ký sinh trùng, bạn cần tẩy giun định kỳ cho mèo con và điều trị bọ chét. Trong trường hợp mèo con ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, có thể mèo của bạn sẽ phải uống thuốc kháng sinh. Tuỳ vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị mèo của bạn lưu trú dài ngày ở phòng khám để theo dõi.
Ngoài ra, men vi sinh hoặc thức ăn có chứa men vi sinh có thể được sử dụng để hỗ trợ hệ tiêu hóa của mèo con. Bác sĩ cũng có thể đề xuất các thực phẩm bổ sung để mèo của bạn sử dụng tại nhà.
4. Phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở mèo con
Mèo con và mèo trưởng thành đôi khi bị tiêu chảy, nhưng hầu hết các nguyên nhân gây tiêu chảy ở mèo con có thể phòng ngừa được. Bạn có thể thực hiện một số bước sau để giúp tránh tình trạng này tái phát.
Đầu tiên, hãy đảm bảo cho mèo con ăn một chế độ ăn phù hợp, chuyên biệt cho mèo con, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Nếu bạn muốn thay đổi thức ăn cho mèo, hãy hay đổi từ từ mỗi ngày một ít
Thứ hai, hãy luôn duy trì việc tẩy giun và điều trị bọ chét cho mèo con định kỳ.
Cuối cùng, đừng quên cập nhật lịch tiêm vắc-xin và tiêm nhắc lại cho mèo con, vì điều này giúp ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng và virus có thể gây hại nghiêm trọng cho mèo của bạn.
Tìm hiểu ngay
Các dòng thức ăn hoàn chỉnh dành cho chó và mèo của Truoo Pet Care, sản phẩm được phát triển bởi Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan.
About the author
Jena Thảo
Marketing Officer
Với am hiểu về dinh dưỡng và kinh nghiệm nuôi 2 chú mèo và 1 chú chó, mình muốn chia sẻ đến tất cả người nuôi thú cưng kiến thức mà mình đã đúc kết trong quãng thời gian dài làm trong ngành công nghiệp thức ăn cho chó mèo.