Vì sao mèo chôn thức ăn hoặc cào sàn khi ăn? Bản năng hay bất thường?
Mục lục
1. Chôn thức ăn là hành vi mang tính bản năng của loài mèo
2. Vì sao mèo chôn thức ăn?
2.1 Mèo chôn thức ăn để che giấu dấu vết
2.2 Bảo vệ con non
2.3 Tránh kẻ trộm thức ăn
2.4 Dự trữ thức ăn (food caching)
2.5 Bảo quản thực phẩm
3. Con mèo chôn thức ăn kỳ quặc nhất từng được ghi nhận
4. Mèo có hành vi chôn thức ăn, còn chó thì không
5. Bạn có nên ngăn mèo cào sàn sau khi ăn?

Chú mèo của bạn lượn lờ quanh mắt cá chân, vừa kêu meo meo vừa ngóng trông bạn xé bọc thức ăn yêu thích - đó có thể là Catpy Gà và Sữa, DeFine Tiết Niệu hoặc bất cứ loại thức ăn mà nó đang mê mẩn.
Thế nhưng nó lại cư xử rất kỳ lạ!
Mèo đưa chân cào không khí, cào mặt đất quanh bát ăn như cách nó cào cát trong hộp vệ sinh. Vậy, vì sao bé mèo chôn thức ăn hoặc tha đi nơi khác?
1. Chôn thức ăn là hành vi mang tính bản năng của loài mèo
Mèo chôn thức ăn là hành vi bình thường, bắt nguồn từ bản năng tự nhiên được thừa hưởng từ tổ tiên hoang dã. Nói cách khác, đây không phải là điều mèo mẹ sẽ dạy cho mèo con mà là hành vi đã ghi vào mã gen.
Có thể bạn chưa biết: mèo nhà bạn có 95% ADN tương đồng với hổ.
Những chú mèo nhà hay có thói quen che thức ăn một cách giả vờ bằng hành vi cào quanh bát, cào vào không khí sau khi thưởng thức bữa ăn ngon miệng. Một số con mèo sẽ che thức ăn của chúng theo đúng nghĩa đen: chúng kéo báo, thảm hoặc khăn tắm và đặt lên bát thức ăn.

2. Vì sao mèo chôn thức ăn?
2.1 Mèo chôn thức ăn để che giấu dấu vết
Trong tự nhiên, loài mèo hoang vừa là kẻ săn mồi, vừa là con mồi cho những kẻ đi săn khác. Việc mèo chôn thức ăn sẽ giúp chúng xóa dấu vết và giảm mùi hương, từ đó tránh bị phát hiện bởi các kẻ thù như sói, chó hoang và các loài ăn thịt lớn.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các cá thể họ mèo thường rất khốc liệt. Một số loài mèo sẽ cố giấu phần thức ăn còn lại để không thu hút những cá thể mạnh hơn đến cướp phần hoặc tranh giành lãnh thổ.
2.2 Bảo vệ con non
Mèo mẹ đang nuôi con thường bị hạn chế trong di chuyển và phạm vi lãnh thổ, do đó chúng dễ bị tấn công hơn. Việc chôn thức ăn sẽ giúp giảm mùi, tránh gây chú ý, từ đó bảo vệ sự an toàn cho đàn con.
2.3 Tránh kẻ trộm thức ăn
Trong môi trường hoang dã, mèo thường cạnh tranh với những loài ăn xác như linh cẩu, cáo, kền kền. Hành động chôn thức ăn giúp giấu mùi và bảo vệ bữa ăn quý giá của chúng. Ở môi trường nuôi trong nhà, mèo có thể coi các vật nuôi khác như chó, mèo khác là "kẻ cắp" và hành vi chôn thức ăn vẫn tiếp tục duy trì theo bản năng.

2.4 Dự trữ thức ăn (food caching)
Đây là hành vi di chuyển hoặc giấu thức ăn để bảo quản thức ăn khỏi bị thối rữa, tránh bị giành ăn và để dành ăn sau. Hành vi này đặc biệt phổ biến ở các loài mèo lớn (như báo, sư tử) khi săn con mồi lớn, không thể ăn hết trong một lần. Mèo rừng châu Âu, họ hàng gần của mèo nhà, cũng được ghi nhận có hành vi dự trữ này.
Do đó, mèo nhà bạn có thể chôn thức ăn chỉ vì chúng thấy phần ăn còn dư, muốn giữ lại cho lần sau.
2.5 Bảo quản thực phẩm
Trong tự nhiên, việc chôn thức ăn dưới đất hoặc lấp lá, cỏ lên có thể giúp:
- Hạn chế ánh nắng trực tiếp
- Giữ cho xác con mồi tươi lâu hơn
- Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn hoặc ruồi nhặng
Đây cũng là một chiến lược bảo quản thức ăn thông minh trong tự nhiên, được duy trì như một bản năng tiềm ẩn trong hành vi của mèo nhà.
3. Con mèo có hành vi chôn thức ăn kỳ quặc nhất
Trong cuốn sách “Minh Họa Lịch Sử Tự Nhiên” (Illustrated Natural History) xuất bản năm 1853, mục sư John George Wood đã kể lại một trong những câu chuyện hiếm có và kỳ quặc nhất về hành vi mèo chôn thức ăn.
Con mèo của ông nổi tiếng là một “tín đồ trung thành” với việc che đậy, giấu kín phần ăn của mình. Thông thường, sau khi ăn xong, nó sẽ tìm một mảnh giấy để phủ lên đĩa. Nhưng nếu không có giấy, nó sẽ lục túi của vợ mục sư để lấy khăn tay thay thế.
Câu chuyện còn trở nên kỳ quặc hơn nữa khi con mèo không thể tìm được giấy hay khăn. Nó sẽ tha ngay một chú mèo con của mình đặt lên trên bát thức ăn. Khi không có mèo con, nó sẽ cào nát thảm, gom các mảnh vải vụn để phủ lên thức ăn. Và đỉnh điểm của hành vi chôn thức ăn này là khi nó kéo cả khăn trải bàn từ bàn ăn, khiến – theo lời mục sư mô tả – “một loạt bát đĩa dễ vỡ vỡ tan trong một thảm cảnh hỗn loạn”.
4. Mèo có hành vi chôn thức ăn, còn chó thì không

Dự án Santa Cruz Puma chuyên gắn vòng cổ định vị cho sư tử núi, đồng thời nhận báo cáo từ người dân khi phát hiện xác nai hoặc hươu bị giết. Tuy nhiên, đôi khi những xác nai đó lại do chó hoang cắn chết chứ không phải sư tử núi.
Các nhà nghiên cứu có thể phân biệt ngay lập tức là nai bị giết bởi chó hoang hay sư tử núi dựa vào hiện trạng xác – đặc biệt là có được che đậy hay không.
- Chó hoang (coyote) thường để thức ăn thừa lộ thiên.
- Sư tử núi lại thường che xác bằng cỏ, lá, cành cây hoặc kéo vào bụi rậm. Xung quanh xác còn có thể thấy dấu vết cào đất của móng vuốt.
5. Bạn có nên ngăn mèo cào sàn sau khi ăn?
Hành vi mèo chôn thức ăn – hay cào, gãi sàn sau khi ăn – có phải là điều đáng lo ngại? Câu trả lời ngắn gọn là: không, nhưng nếu xét kỹ hơn, câu trả lời sẽ là: còn tùy trường hợp.
Nếu chú mèo của bạn chỉ đơn thuần đang thể hiện bản năng di truyền từ tổ tiên hoang dã, thì đây là điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần can thiệp. Tuy nhiên, trong một số tình huống, hành vi này có thể gây phiền toái, chẳng hạn như mèo làm hỏng sàn nhà, cào xước đồ nội thất, hoặc làm vương vãi thức ăn khắp nơi – khi đó, bạn nên can thiệp một cách nhẹ nhàng, không mắng mỏ, để tránh gây stress cho mèo.
Ngoài ra, một lý do khác khiến bạn cần lưu tâm là khi hành vi chôn thức ăn chuyển từ bản năng sang ám ảnh. Ví dụ, trong các gia đình nuôi nhiều mèo, nếu bạn thấy một chú mèo liên tục cố giấu phần ăn của mình, có dấu hiệu căng thẳng, cảnh giác, thì rất có thể nó đang cảm thấy không an toàn khi ăn, hoặc bị đe dọa bởi những con mèo khác.
Trong những trường hợp như vậy, cách xử lý đơn giản và hiệu quả nhất là cho mèo ăn riêng, và dọn bát ngay sau khi ăn xong. Khi không còn “mục tiêu” để giấu, bản năng chôn thức ăn sẽ dần mất đi vì không còn lý do để kích hoạt nữa. Đây là một phương pháp nhẹ nhàng giúp duy trì hành vi lành mạnh và tạo cảm giác an toàn cho mèo trong sinh hoạt hàng ngày.
Mỗi hành vi của mèo là một thông điệp Mỗi cú cào của mèo không phải là sự ‘nghịch phá’ – mà là tiếng nói của bản năng. Hiểu mèo, là hiểu được thế giới hoang dã thu nhỏ ngay trong căn nhà của bạn.
Tham khảo:
Paulh. “Cách nhận biết nai bị giết bởi sư tử hay chó hoang.” Santa Cruz Puma Project. Santacruzpumas.org/2014/03/lion-kills-vs-coyote-kills/
Tìm hiểu ngay
Các dòng thức ăn hoàn chỉnh dành cho chó và mèo của Truoo Pet Care, sản phẩm được phát triển bởi Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan.
About the author

Jena Thảo
Marketing Officer
Với am hiểu về dinh dưỡng và kinh nghiệm nuôi 2 chú mèo và 1 chú chó, mình muốn chia sẻ đến tất cả người nuôi thú cưng kiến thức mà mình đã đúc kết trong quãng thời gian dài làm trong ngành công nghiệp thức ăn cho chó mèo.