Tại sao mèo đánh nhau? Hướng dẫn cách xử lý từ A đến Z

Lương Phương Thảo - Marketing Officer

Jena Thảo

Marketing Officer

22 tháng 12 2024
-
6 Phút
Mục lục

1. Tại sao mèo đánh nhau? 

1.1 Tại sao mèo đánh mèo mới? 

1.2 Các nguyên nhân phổ biến khác

2. Cần làm khi mèo đánh nhau? 

2.1 Cách giảm xung đột giữa hai chú mèo hay đánh nhau 

2.2 Cách để mèo làm quen mèo mới 

3. Những câu hỏi khác 

3.1 Mèo đánh mèo mới nguy hiểm không? 

3.2 Làm thế nào để hòa giải mèo đánh nhau nhanh chóng? 

3.3 nên phạt mèo khi chúng đánh nhau? 

Tại sao mèo cũ đánh mèo mới? Đây là câu hỏi nhiều người nuôi mèo gặp phải khi mang thêm một chú mèo mới về nhà. Xung đột giữa mèo cũ và mèo mới có thể xuất phát từ bản năng bảo vệ lãnh thổ, tranh giành tài nguyên, hoặc thậm chí là hiểu lầm trong khi chơi đùa. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân và cung cấp giải pháp hiệu quả để giúp mèo sống hòa thuận với nhau. 

1. Tại sao mèo đánh nhau?

1.1 Tại sao mèo cũ đánh mèo mới? 

Bản năng tự nhiên của loài mèo là bảo vệ lãnh thổ, chúng có xu hướng dánh dấu khu vực mình sinh sống thông qua mùi hương. Khi bạn mang một chú mèo mới về nhà, mèo cũ sẽ cảm thấy mèo mới là mối đe đoạ, là kẻ xâm nhập trái phép vào lãnh thổ cả mình. Mèo cũ phản ứng bằng cách đánh đuổi mèo mới. 

Mèo ghen tị vì bạn thương mèo mới hơn. Sự thay đổi trong cách bạn cư xử, như dành thời gian chơi đùa với mèo mới, có thể khiến mèo cũ cảm thấy bị bỏ rơi. 

Mèo nhận diện động vật khác, bao gồm cả con người, thông qua mùi hướng. Mèo mới mang theo mùi từ môi trường khác khiến mèo cũ cảm thấy bị đe doạ, 

Mèo cũ đánh mèo mới có thể do chúng không hợp nhau về tính cách và độ tuổi. Một số chú mèo hướng nội cảm thấy bị làm phiền bởi những chú mèo năng động; mèo có tính cách thích thống trị cố gắng bắt nạt chú mèo ngoan ngoãn.  

Khi gặp mèo mới, nhiều chú mèo cũ cảm thấy căng thẳng hoặc sợ hãi. Chúng phản ứng với điều này bằng hành vi hung hăng, tấn công mèo mới để bảo vệ bản thân. 

Nếu bạn đột ngột mang mèo mới về nhà và không cách ly mèo đúng cách, mèo cũ rất khó chung sống hoà thuận với mèo mới. Theo chuyên gia về hành vi của mèo Jackson Galaxy, bạn nên tách mèo trong phòng riêng hoặc trong lồng và từ từ để chúng làm quen mùi nhau. 

Mèo cũ đánh mèo mới vì cảm thấy lãnh thổ bị xâm nhập trái phép
Mèo cũ đánh mèo mới vì cảm thấy lãnh thổ bị xâm nhập trái phép

1.2 Các nguyên nhân phổ biến khác 

Mèo tranh giành thức ăn, nước uống, chỗ ngủ hoặc khay vệ sinh, dẫn đến xung đột. Điều này không chỉ xảy ra ở mèo mới và mèo cũ, mà những chú mèo sống chung với nhau đã lâu cũng có thể đánh nhau. Ví dụ, nếu bạn chỉ để một khay thức ăn trong khi cả hai con mèo đang đói, chúng sẽ gầm gừ và lao vào tấn công đối phương để tìm ra người được ăn đầu tiên. 

Mèo chưa triệt sản, đặc biệt là mèo đực, thường có mức testosterone cao, dễ dẫn đến hành vi hung hăng hơn đối với mèo mới và các động vật khác trong nhà. Mèo cái chưa triệt sản khi vào kỳ động dục cũng nhạy cảm tương đồng. Ngoài ra, mèo chưa triệt sản thường có xu hướng bảo vệ lãnh thổ mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi cảm nhận sự xuất hiện của một “đối thủ” mới trong môi trường sống của mình. 

Mèo có thể hiểu nhầm nhau trong quá trình chơi đùa. Trong khi chơi, mèo có thể dùng cử chỉ như cắn hoặc vỗ nhẹ, điều này đôi khi bị hiểu nhầm là hành vi tấn công, dẫn đến xung đột.Ngoài ra, mèo trẻ tuổi thường chơi đùa mạnh mẽ, có thể vượt quá giới hạn mà mèo lớn tuổi hoặc mèo nhút nhát có thể chấp nhận, khiến mèo cũ phản ứng lại. 

2. Cần làm gì khi mèo đánh nhau?

2.1 Cách giảm xung đột giữa hai chú mèo hay đánh nhau 

Để ngăn mèo đánh nhau, hãy cố gắng chuyển hướng sự chú ý của chúng. Bạn có thể tạo một tiếng động ngắn và bất ngờ, chẳng hạn như tiếng còi, tiếng vỗ tay,... (đảm bảo không hướng trực tiếp vào mèo). Ngoài ra, bạn có thể chơi đùa với mèo bằng tia laze, cần câu mèo, bóng có chuông bên trong thay vì để chúng rượt đuổi nhau trong nhà. 

Nếu mèo đánh nhau, bạn không nên đánh chúng, la hét, hoặc tạo ra những tiếng ồn lớn kéo dài, vì những hành động này có thể khiến mèo sợ hãi. Điều này khiến mèo căng thẳng hơn và làm gia tăng sự hung hăng.  

Đồng thời, bạn không nên chạm vào bất kỳ bộ phận cơ thể nào của mèo khi những con mèo đang đánh nhau. Bạn cũng không nên cố gắng kéo chúng ra, vì điều này có thể gây nguy hiểm cho bạn. Mèo trong trạng thái hung hăng sẽ quay qua cắn và cào bạn. 

2.2 Cách để mèo cũ làm quen mèo mới 

Nếu mèo có tính cách trái ngược nhau hoặc chúng không được làm quen đúng cách, bạn có thể cho chúng làm quen lại một lần nữa.  

Bạn hãy thực hiện theo các bước sau: 

  • Đặt mỗi con mèo vào một khu vực riêng và ngăn cách với nhau bằng rào chắn hoặc cửa. Bạn cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, khay vệ sinh, chỗ ngủ, đồ chơi cho mèo. Đồng thời, bạn cần để cửa sổ hoặc khoảng trống để chúng có thể quan sát bên ngoài. 
  • Sau một thời gian cách ly, cho mèo đổi vị trí sống để làm quen với mùi hương của nhau. 
  • Trong vài ngày hoặc vài tuần tiếp theo, bạn nên cho mèo tiếp xúc trực tiếp với nhau nhiều hơn. Đầu tiên, hãy để chúng gặp nhau qua rào chắn hoặc trong lồng, giúp chúng nhìn và ngửi nhau mà không có tương tác trực tiếp. Khi không còn hành vi hung hăng, hãy thả mèo ra ngoài và cho chúng tự do di chuyển dưới sự giám sát của bạn. Đừng quên khen thưởng khi chúng bình tĩnh và hòa nhã với nhau. 

Truoo Pet Care có một lưu ý là hông phải con mèo nào cũng trở thành bạn bè, nhưng nếu chúng có thể chung sống hòa bình mà không xảy ra đánh nhau, kể cả đôi lúc có rít lên hoặc lờ nhau đi, thì đó đã là thành công.  

Sau khi làm quen, mèo có thể trở thành bạn bè của nhau
Sau khi làm quen, mèo có thể trở thành bạn bè của nhau.

 

3. Những câu hỏi khác

3.1 Mèo cũ đánh mèo mới có nguy hiểm không? 

Có, mèo cũ đánh mèo mới có thể gây nguy hiểm nếu xung đột leo thang. Mèo có thể cào, cắn làm tổn thương mèo mới, dẫn đến vết thương ngoài da hoặc nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu mèo chưa được tiêm phòng hoặc triệt sản, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ vết cắn sẽ cao hơn. Vì vậy, cần giám sát kỹ lưỡng và can thiệp kịp thời khi thấy xung đột có dấu hiệu vượt kiểm soát. 

3.2 Làm thế nào để hòa giải mèo đánh nhau nhanh chóng? 

Tạo tiếng động ngắn, bất ngờ: Dùng âm thanh nhẹ, như tiếng vỗ tay hoặc tiếng rít từ bình khí nén (không hướng vào mèo), để làm gián đoạn xung đột. 

Chuyển hướng sự chú ý: Sử dụng đồ chơi hoặc món ăn yêu thích để lôi kéo mèo ra khỏi cuộc đánh nhau. 

Tách riêng mèo: Nếu tình hình không được cải thiện, hãy tách mèo ra các khu vực riêng biệt để chúng bình tĩnh lại. Sau đó, áp dụng phương pháp tái giới thiệu từ từ để giúp chúng làm quen lại. 

3.3 Có nên phạt mèo khi chúng đánh nhau? 

Không nên. Phạt mèo, đặc biệt là dùng hình phạt thể chất, la hét, hoặc tiếng ồn lớn kéo dài, không chỉ không hiệu quả mà còn làm tăng nỗi sợ hãi, lo lắng và thậm chí khiến hành vi hung hăng trở nên tệ hơn. Thay vào đó, tập trung vào việc kiểm soát tình huống và củng cố hành vi tích cực bằng cách khen thưởng mèo khi chúng bình tĩnh và hòa nhã. 

 

Tại Truoo Pet Care, chúng tôi không chỉ quan tâm đến dinh dưỡng mà còn đồng hành cùng bạn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của thú cưng. Hãy theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm những mẹo chăm sóc hữu ích và các tin tức mới nhất giúp mèo cưng của bạn luôn khỏe mạnh và an toàn! 

Tìm hiểu ngay

Các dòng thức ăn hoàn chỉnh dành cho chó và mèo của Truoo Pet Care, sản phẩm được phát triển bởi Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan.

About the author
Lương Phương Thảo - Marketing Officer

Jena Thảo

Marketing Officer

Với am hiểu về dinh dưỡng và kinh nghiệm nuôi 2 chú mèo và 1 chú chó, mình muốn chia sẻ đến tất cả người nuôi thú cưng kiến thức mà mình đã đúc kết trong quãng thời gian dài làm trong ngành công nghiệp thức ăn cho chó mèo.